Thứ Hai, 13 tháng 6, 2011

TẢN MẠN MỘT CHÚT VỀ CHUYỆN “QUỐC VÕ” "

   Chúng ta hãy thử nhìn lại một chút về lịch sử võ học Việt Nam qua các thời kỳ và  thời điểm khai sinh một số dòng võ cổ truyền dân tộc...
   
Thời gian gần đây trên diễn đàn  võ thuật, nổ ra không ít cuộc tranh luận về đề tài “Quốc Võ”. Võ phái nào cũng mong ước được trở thành đại diện cho võ thuật nước nhà, trước là để vinh danh môn phái sau là được vinh dự đem một trong những nét văn hóa độc đáo của Việt Nam quảng bá đến bạn bè thế giới. Đó là nguyện vọng chính đáng và tốt đẹp. Song, cũng chính vì sự mong muốn cháy bỏng đó mà các cuộc tranh luận nổ ra, kéo theo không ít cá nhân chỉ biết cầm bút chứ không am hiểu về võ thuật lao vào với những bài viết mang tính kích động lòng đố kỵ trong giới võ lâm. Thật đáng buồn!
Để hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng ta hãy thử nhìn lại một chút về lịch sử võ học Việt Nam qua các thời kỳ và  thời điểm khai sinh một số dòng võ cổ truyền dân tộc.
Ngược dòng lịch sử, đất nước ta có nhiều nghìn năm dựng nước và giữ nước, trong đó có ngót một nghìn năm Bắc thuộc và gần một trăm năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Chúng ta bị ảnh hưởng nặng nề với cả 2 nền văn hóa này, điều đó không ai có thế phủ nhận được! Võ học là một trong loại hình văn hóa của dân tộc chịu ảnh hưởng lâu dài nhất.
Có chăng là thời kỳ huyền sử (2879-111 trước CN) Thời của các Vua Hùng đánh nhau với Sơn Thần Thủy quái! Lạc Long Quân đánh Ngư Tinh, Sơn Tinh đánh với Thủy Tinh…thì Việt nam mới có một nền võ học nguyên bản của mình.
Vào đến thời kỳ Bắc thuộc (111tr CN – 906), dân tộc chúng ta đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hóa phương Bắc rồi! Võ học của Việt Nam cũng vậy, Võ học phương Bắc lan truyền vào đất nước ta bằng 2 con đường chính: con đường khoa bảng  và con đường tôn giáo. Thời bấy giờ ngoài các quan binh võ, thì chùa chiền là nơi truyền dạy võ thuật Trung Hoa mạnh mẽ nhất mà cụ thể là môn phái Thiếu Lâm của các nhà sư nhằm thu hút đệ tử sử dụng vào mục đích truyền bá đạo Phật.
Sự ảnh hưởng của một Môn phái từng được tôn vinh là đại diện của võ thuật Trung Hoa này đã để lại dấu ấn trên nhiều võ phái tại Việt Nam mà bấy lâu chúng ta vẫn quen gọi là võ cổ truyền dân tộc hay võ ta như: Thiếu Lâm Bắc phái, Thiếu Lâm Nam phái, Thiếu Lâm Hàn Bái, Thiếu Lâm Côn Lôn, Thiếu Lâm Vịnh Xuân… hoặc danh xưng Việt mang âm hưởng Trung Hoa như: Thanh Long, Huỳnh Long, Võ Đang, Thái cực, Tây Sơn Nhạn, Hắc Hổ, Bạch Hổ, Kim Kê, Bạch Long Sơn Tây, Triệu Tử Long, Hồng Gia Quyền…
Một số võ phái còn lại  mang tên địa danh Bình Định, quê hương của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ như: Tây Sơn Bình Định, Thuận Truyền, An Thái, Bình Định Sa Long Cương…
Nhắc đến các võ phái có liên quan đến Tây Sơn Bình Định, thì có thể sẽ có không ít người nghĩ rằng đây chính là môn võ dân tộc của Việt Nam ta?  Hãy khoan, chúng ta thử nhìn lại sử sách ghi gì? Trong 3 anh em nhà họ Nguyễn gồm: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ thì Nguyễn Lữ là một nhà sư, phụ trách quân cơ trong triều đình nhà Nguyễn,  đồng nghĩa với việc tổ chức và huấn luyện binh sĩ. Như vậy ông đã học và dạy võ gì? Phải chăng là võ Thiếu Lâm? Ngoài ra, ngoài 3 anh em họ Nguyễn đất Bình Định, còn có sự hợp tác của các sĩ phu xứ Bắc Hà như Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Nguyễn Hữu Chỉnh, Ngô Thời Nhậm, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân…Như vậy, nghĩa quân Tây Sơn không nhất thiết đã được huấn luyện cùng một dòng võ mà nhiều người quen gọi là võ cổ truyền Bình Định (võ ta).
Trong hầu hết những câu thiệu (ca quyết) của những bài thảo võ Bình Định, sử dụng rất nhiều từ Hán Việt quen thuộc nằm trong “Thất Thập Nhị Huyền Công” của Môn phái Thiếu Lâm Trung Hoa!
Hơn nữa, các môn phái mang tên Tây Sơn và Bình Định chỉ mới xuất hiện từ  thập niên 1950, sau hiệp định Gerneve (1954) ở Miền Nam Việt Nam. Sự xuất hiện tên tuổi của võ phái này còn sau rất nhiều tên tuổi của một số võ phái khác đều có chung khởi nghiệp từ các trận võ đài. Đồng thời các Môn phái của Tây Sơn và Bình Định không có chung một Tổ Đường, không xác định được người đầu tiên sáng lập ra Môn phái, mặc dù hàng năm họ vẫn tổ chức một Lễ hội truyền thống để vinh danh một vị anh hùng của dân tộc Việt Nam là Hoàng Đế Quang Trung Nguyễn Huệ, như các vị anh hùng Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo…Ngoài ra các Môn phái Tây Sơn và Bình Định cũng không lập được gia phả của Môn phái mình nhằm ghi lại lịch sử, quá trình phát triển, tên tuổi của các vị võ sư tiền bối nối tiếp nhau qua nhiều đời…
Như vậy, Môn phái Tây Sơn-Bình Định cũng chỉ là một trong những môn võ cổ truyền Việt Nam chịu ảnh hưởng võ thuật Trung Hoa như những môn phái khác mà thôi. Mà Thiếu Lâm là cái nôi của võ thuật phương Đông lại có nguồn gốc từ Ấn Độ do vị Bồ Đề Đạt Ma vị Tổ thứ 28 của phái Thiền Tông Ấn Độ mang vào Trung Hoa vào khoảng năm 520!
Vấn đề được đặt ra là không phải phân định về lịch sử, nguồn gốc các võ phái tại Việt Nam mà là chọn một môn phái có những yếu tố vượt trội để dại diện cho nền võ thuật nước nhà ở thời điểm hiện nay và mãi mãi về sau với danh xưng Quốc võ.
VoViNam- Việt Võ Đạo chịu ảnh hưởng như thế nào đối với nền võ học cổ truyền Việt nam?
Yếu tố kỹ thuật căn bản của VoviNam-Việt Võ đạo và Thất Thập Nhị huyền công có gì liên quan?
Năm 1938. Cố Võ sư  Nguyễn Lộc (1912 -1960) vị sáng Tổ Môn phái VoViNam  đã hoàn tất việc nghiên cứu, kết hợp giữa 2 nền võ học cổ truyền Việt Nam và tinh hoa võ thuật đã có trên thế giới.  Một năm sau, mùa thu năm 1939  ông cho ra mắt công chúng tại nhà hát lớn Hà Nội  môn võ mới của người Việt mang tên VoViNam, cụm từ được viết tắt từ 3 chữ võ Việt Nam để nói lên tinh thần dân tộc và tính bảo tồn võ học Việt Nam.
Ông Nguyễn Lộc với tinh thần của một dân tộc liên tục bị đô hộ, không muốn nền võ học Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng sâu nặng nền võ học Trung Hoa trong từ những tên gọi, đồng thời ông cũng muốn làm một cuộc cải cách về phương pháp giảng dạy để thoát khỏi phần nào những ảnh hưởng ấy bằng cách mã số hóa một số các đòn thế cơ bản dựa trên nền tảng võ và vật cổ truyền dân tộc. Như vậy người học sẽ dễ nhớ và khó quên hơn.
Sau đây là một vài so sánh để thấy được được VoViNam đã dựa trên nền tảng “Thất thập nhị huyền công” của võ cổ truyền Việt Nam để phát triển theo một  phương cách mới:

BỘ TẤN:  (THẬP NHỊ TẤN PHÁP)     Tên gọi của VoViNam
- Lập tấn                                               - Lập tấn
- Trung bình tấn                                    - Trung Bình tấn
- Đinh tấn                                             -  Đinh tấn
- Trảo mã tấn                                      - Trảo Mã tấn
- Âm Dương tấn                                 - Tam Giác tấn
- Hạ mã tấn                                         - Cung Tiễn tấn
- Xà tự tấn                                          – Hồi Tấn
- Quy tấn                                              - Quỵ tấn
- Tọa tấn                                              - Tọa tấn
- Độc hành tấn                                    - Độc Cước tấn
- Ngọa tấn                                          – Nghiêng vai lộn
- Độc hành vũ tấn                                – Chống tay lộn

BỘ THỦ CHỈ:   (NGÓN TAY)
- Độc chỉ cương dương                               – không có tên
- Song chỉ thu châu                                       – không có tên
- Tam chỉ thần ưng                                        – không có tên
- Tứ chỉ dương hầu                                       – Xỉa ngữa bàn tay
- Ngũ chỉ thu đào                                           – Hổ trảo, Long trảo

BỘ HÙNG CHƯỞNG: (LÒNG BÀN TAY)
- Thần thông thượng chưởng                      – Gạt số 3
- Lôi công hạ chưởng                                   – Gạt số 4
- Mãnh công độc chưởng                             – Đánh ức chưởng
- Âm dương pháp chưởng                          – 2 chưởng một đẩy lên, một ấn xuống
- Song Long thần chưởng                            – Đẩy 2 ức chưởng ra trước

BÁT BỘ CƯƠNG ĐAO:  (CẠNH BÀN TAY)
- Cương đao trảm thạch                              – Chém bổ
- Cương đao phạt mộc                                – Chém số 1
- Cương đao phạt thảo                                – Chém số 2
- Cương đao khai vị                                     – Chém số 3
- Cương đao trảm xà                                    – Chém số 4
- Cương đao khai môn                                 – Gạt số 1
- Cương đao sát thích                                  – Xĩa đứng bàn tay
- Cương đao lia cành                                   – Chém vớt xéo

BỘ PHƯỢNG DỰC: (CÙI CHỎ)
- Phượng dực bạt phong                             – Chỏ số 1 và chỏ số 7
- Phượng dực hoành phong                        – Chỏ số 2
- Phượng dực loan đài                                 – chỏ số 3
- Phượng dực ẩn long                                  – Chỏ số 4
- Phượng dực bạt hổ                                    – Chỏ số 5
- Phượng dực kim chung                             – Chỏ số 6
- Phượng dực thần xà                                  – Chỏ số 8

BỘ THÔI SƠN: (NẮM TAY)
- Thôi sơn hữu dực (tả dực)                        – Móc phải, trái
- Thôi sơn ưng trảo                                       – Đấm múc
-  Thôi sơn cổn đầu                                       – Đấm lao
- Thôi sơn lộng tiền                                       – Tạt ngược dưới lên
- Thôi sơn tả (hữu) chi                                  – Tạt ngang
- Thôi sơn bán hạ                                          – Gạt nắm đấm số 2 tầm trung
- Thôi sơn khắc thủ                                       – Gạt nắm đấm số 2 tầm cao

BỘ BÁT TUYỆT MÔN QUYỀN: (8 BỘ TAY ĐẸP)
- Kim Báo đảo quyền                                    – Gạt số 1
- Giao Long khắc quyền                               – Gạt số 1 và số 2 cắt kéo
- Bình phong Hạc quyền                               – Bật ngược lưng nắm tay
- Hoạch sa hạc quyền                                   – Long trảo, Hổ trảo, Ưng trảo
- Hổ trảo giáng quyền                                   – Hổ trảo, Long trảo
- Xà hành nhuyễn quyền                               – Xà thủ

THẬP BÁT CƯỚC: (18 LỐI ĐÁ)
- Độc tiêu cước                     – Đánh gối 1,2,3,4, Đòn chân 2,3,6,12,13, 15, 17
- Kim tiêu cước                     – Đá thẳng
- Thiết tiêu cước                    – Đạp thẳng, Đòn chân số 8
- Đảo sơn cước                    – Đá tạt, Đòn chân số 10
- Bàn long cước                    – Đạp ngang, Đòn chân số 7
- Tảo phong cước                 – Đá cạnh
- Tảo địa cước                      – Đá quét
- Lưu vân cước                     – Đá lái, Đòn chân 11,16, 19
- Nghịch mã cước                 – Đạp lái, Đò chân số 9, 21
- Câu liêm cước                    – Đá móc gót
- Long thăng cước                – Các đòn đá bay
- Lôi công cước                    – Các đòn đá nện gót chân
- Đảo ngoặc cước                – Quét đạp
- Thăng thiên độc cước        – Đòn chân số 7
- Hồ điệp song phi                – Đòn chân số 8
- Đồng tước song phi           – Đá song phi
- Liên hoàn tam cước           – Chiến lược số 9
Trong Thập Bát cước,  một số lối đá và đánh gối được Cố Võ sư Nguyễn Lộc  nâng cao qua nhiều giai đoạn thành những đòn chân tấn công nhằm hạ thủ đối phương trong một số tình huống thích hợp như :đối phương thất thế. Hoặc ta bị đồi phương áp giải ( ĐC số 9, 21), ta thất thế bị té ngã (ĐC 1,2,4,5). Đó là cả một quá trình nghiên cứu và công phu luyện tập để  trở thành những tuyệt kỹ khi sử dụng, chứ không như một số người cho rằng đòn chân tấn công của VoViNam chỉ để biểu diễn cho đẹp mắt.
Như vậy phần nào  minh chứng được VoViNam đã hoàn thành sứ vụ bảo tồn và phát huy nền võ học cổ truyền dân tộc.
VoViNam thờ chung một Tổ, có một hệ thống võ thuật và võ đạo thống nhất và không ngừng phát triển cho phù hợp với thời đại. Do đó đã thu hút được số lượng môn sinh đáng kể ngay trong nước và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Từ tính ưu việt này VoViNam- Việt Võ Đạo rất xứng đáng được đại diện cho nền võ học cổ truyền Việt Nam mang danh Quốc Võ

1 nhận xét:

  1. toi rat vui khi theo hoc vovinam,toi nghi hoc khong phai cot yeu la de danh nha, hoc la de ren luyen suc khoe, y chi, ban linh con nguoi.toi muon khang dinh voi tat ca cac nuoc rang "TÔI LÀ CON NGƯỜI VIỆT NAM,CHÚNG TÔI KHÔNG CHỊU KHUẤT PHỤC MỘT AI, KHI MỘT AI ĐÓ KHÔNG TÔN TRỌNG ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM"

    Trả lờiXóa